BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

16/03/2020

Trong thời quan qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được nhiều kiến nghị từ cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình, Thái Bình, An Giang về các vấn đề liên quan tới việc quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với nội dung như sau:

“Cử tri đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức xuất khẩu lao động trái phép”. (Kiến nghị số 54)

“Qua sự việc 39 người Việt Nam chết trong container ở Anh thời gian qua, đã thấy được nhu cầu ra nước ngoài lao động là rất lớn và hấp dẫn nên họ có thể hi sinh tính mạng để có thể tìm cơ hội đổi đời. Vì vậy, cử tri đề nghị rà soát lại các chính sách, quy định hiện hành về việc đưa lao động ra nước ngoài một cách toàn diện để điều chỉnh cho phù hợp, thông thoáng hơn, tạo điều kiện người dân có thể đi lao động, học tập và tạo nguồn ngoại hối dồi dào cho nước nhà.” (Kiến nghị số 56)

“Cử tri đề nghị cần quan tâm và có biện pháp ngăn chặn tình trạng đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài trái phép như trong thời gian qua..” (kiến nghị số 57)

“Cử tri đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức xuất khẩu lao động trái phép”. (Kiến nghị số 59)

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Để tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thi hành chính sách pháp luật đối với lĩnh vực này trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào phiên họp tháng 5/2020 và thông qua vào phiên họp tháng 10/2020.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, phối hợp với đối tác và các cơ quan tổ chức có liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động ở nước ngoài, cụ thể như sau:

- Quy định điều kiện doanh nghiệp tham gia đưa lao động đi làm việc tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (bộ máy hoạt động, cơ sở vật chất...).

- Quy định mức phí đối với mỗi thị trường, hạn chế tình trạng lạm thu phí; giảm chi phí cho người lao động. Quy định mức trần môi giới đối với các thị trường cũng như đề ra lộ trình giảm phí đối với người lao động. Tổ chức giám sát việc triển khai áp dụng lộ trình giảm phí này thông qua kiểm tra, phỏng vấn người lao động trước khi xuất cảnh và sau khi nhập cảnh (đối với thị trường Đài Loan).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến năm 2019, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 100 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 06 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 06 doanh nghiệp, xử phạt 59 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2017 đến hết năm 2019 là trên 5 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đi vào nề nếp hơn, chấp hành việc tuyển chọn, đào tạo và thu phí của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Sự việc 39 người Việt Nam chết trong container ở Anh là hiện tượng người dân di cư sang nước ngoài và nhập cảnh trái phép, không phải hoạt động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Hiện nay, vấn đề di cư tự do, làm việc bất hợp pháp tại các quốc gia phát triển diễn ra hầu như ở tất cả các nước trên thế giới, là một trong những vấn đề xã hội phức tạp chưa được giải quyết triệt để trên bình diện toàn cầu.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan Công an để xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân không có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trực tiếp làm việc với công dân và trả lời qua đường dây nóng cho công dân thắc mắc các vấn đề liên quan đến các điều khoản trong hợp đồng như: tiền lương, việc làm của người lao động đang ở nước ngoài không đúng như đã ký trước khi đi, giải quyết thanh lý hợp đồng với người lao động không thoả đáng...để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Về công tác phát triển thị trường lao động ngoài nước, trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này, các hoạt động phát triển thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, thúc đẩy hợp tác với một số nước Châu Âu để mở rộng thị trường đã đạt được kết quả khả quan, bên cạnh việc giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống.

Nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài, điển hình là hoạt động đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kết quả: Năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm và là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm (năm 2014: 106.840 lao động, năm 2015: 115.980 lao động, năm 2016: 126.289 lao động, năm 2017: 134.751 lao động và năm 2018: 142.860 lao động).

Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình, Thái Bình để trả lời kiến nghị của cử tri./.