BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Người lao động Việt Nam cần phải có những kỹ năng, phẩm chất nhất định để tham gia và cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế

17/03/2020

Cử tri tỉnh Long an cho rằng: hiện nay, lao động Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu là lao động tay chân, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ như ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…và các ngành công nghiệp mới. Cử tri đã gửi kiến nghị về vấn đề này và đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Trong thời gian qua, lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã từng bước phát triển ổn định, giữ vững thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, người lao động ngày càng được đào tạo bài bản về kỹ năng, ngôn ngữ cũng như tác phong, kỷ luật lao động. Số lượng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho bản thân và gia đình. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam trung bình mỗi năm từ 2,5 - 3 tỷ USD từ lĩnh vực này là một đóng góp mang ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của đất nước.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và ngư nghiệp. Đây là những ngành, nghề mà nước sở tại bị thiếu hụt lao động, nhân lực trong nước không đáp ứng đủ nên có nhu cầu tuyển dụng từ các nước khác, từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Như vậy, có thể nói rằng, ngay cả đối với các ngành, nghề sử dụng lao động phổ thông, người lao động Việt Nam cũng cần phải có những kỹ năng, phẩm chất nhất định để tham gia và cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo tập trung các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ người lao động với các quy định chặt chẽ hơn về tuyển chọn lao động ban đầu, thời gian đào tạo, trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa của nước sở tại,...để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động.

Mặt khác, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển lao động có kỹ năng, trình độ cao, đặc biệt là ngành nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo,...để đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,  chủ động ứng phó với những tác động của tiến trình toàn cầu hóa, trong đó có việc di chuyển thể nhân, lao động trình độ cao giữa các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á diễn ra trong tương lai gần. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cao từ sớm thì ngay cả đối với thị trường lao động trong nước về lâu dài cũng sẽ bị ảnh hưởng và thiếu hụt và sẽ bị thay thế bởi nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước trong khu vực.