BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

14/05/2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình, Thái Bình nội dung như sau:

“Cử tri đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức xuất khẩu lao động trái phép”.

“Cử tri đề nghị cần quan tâm và có biện pháp ngăn chặn tình trạng đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài trái phép như trong thời gian qua..”

“Cử tri đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức xuất khẩu lao động trái phép”.

Vấn đề này, Bộ trả lời như sau:

Để tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thi hành chính sách pháp luật đối với lĩnh vực này trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào phiên họp tháng 5/2020 và thông qua vào phiên họp tháng 10/2020.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, phối hợp với đối tác và các cơ quan tổ chức có liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động ở nước ngoài, cụ thể như sau:

- Quy định điều kiện doanh nghiệp tham gia đưa lao động đi làm việc tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (bộ máy hoạt động, cơ sở vật chất...).

- Quy định mức phí đối với mỗi thị trường, hạn chế tình trạng lạm thu phí; giảm chi phí cho người lao động. Quy định mức trần môi giới đối với các thị trường cũng như đề ra lộ trình giảm phí đối với người lao động. Tổ chức giám sát việc triển khai áp dụng lộ trình giảm phí này thông qua kiểm tra, phỏng vấn người lao động trước khi xuất cảnh và sau khi nhập cảnh (đối với thị trường Đài Loan).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến năm 2019, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 100 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 06 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 06 doanh nghiệp, xử phạt 59 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2017 đến hết năm 2019 là trên 5 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đi vào nề nếp hơn, chấp hành việc tuyển chọn, đào tạo và thu phí của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.