BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn lao động cần căn cứ vào Biên bản điều tra tai nạn lao động

06/11/2020

Chị Khánh Ly gửi đến HTTT Bộ với người dân và doanh nghiệp câu hỏi về tai nạn lao động như sau:

Bạn tôi đang làm tại một công ty, trong khi đang đi giao hàng thì có một xe tải áp sát vào bạn tôi, dẫn đến bạn tôi ngã xuống xe bị gãy 1/3 xương cẳng chân. Bạn tôi được một xe cấp cứu vô tình đi ngang rồi chở đi đến bệnh viện, bạn tôi bị ngã xe tại trục đường lớn nhưng khi bị tai nạn lại không có công an giao thông. Sau khi được nẹp chân, mẹ bạn tôi đã đến công an phường tại nơi xảy ra tai nạn xin “Biên bản tai nạn giao thông” để làm thủ tục BHTNLĐ nhưng công an không giải quyết. Vì vậy tôi cần giải đáp các vấn đề như sau:

+ Thứ nhất: Bạn tôi bị tai nạn như vậy, có thể phải dưỡng thương tại nhà hơn 4 tháng, nhưng hồ sơ thủ tục của bảo hiểm quá khó khăn, công an giao thông lại không tạo điều kiện giải quyết, trong khi đó công ty bạn tôi đã đóng đầy đủ BHXH để đảm bảo an sinh cho nhân viên, nhưng chỉ vì giấy tờ như trên mà lại không được hưởng chế độ. Bạn tôi đã hỏi BHXH nhưng cán bộ BHXH lại bảo nếu không đủ giấy tờ thì phải chịu làm chế độ ốm đau thường. Vậy cho tôi hỏi làm sao bạn tôi có thể lãnh được BHTNLĐ? Nếu lãnh chế độ ốm đau thường thì chẳng phải bạn tôi mất đi quyền lợi hay sao? Ốm đau thường 30 ngày + 7 ngày dưỡng sức có phẫu thuật nhưng bạn tôi phải dưỡng hơn 4 tháng mới đi lại bình thường được.

+ Theo Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015:

Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp “đặc thù” khi người lao động bị tai nạn lao động:

Khoản 01 điều 39. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.

Khoản 4 Điều 38: Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

Bạn tôi bị tai nạn lao động như vậy có thuộc đúng theo trường hợp này không? Nếu đúng thì công ty bạn tôi có phải đóng BHXH, trả tiền lương cho những ngày nghỉ dưỡng tại nhà, thanh toán chi phí y tế cho bạn tôi hay không? Vì trong Điểm 4 khoản 4 điều 38 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 chỉ nêu được đền bù theo khoản 4 Điều 38 của Luật này mà không nêu các chi phí trên.

Nếu Công ty bạn tôi phải đến bù thì chẳng phải công ty bạn tôi quá thiệt thòi vì người gây tai nạn là một người khác không xác định được, chứ không phải do lỗi của công ty.

Vấn đề này, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn lao động cần căn cứ vào Biên bản điều tra tai nạn lao động. Căn cứ vào Biên bản điều tra tai nạn lao động nêu trên, trường hợp người lao động bị tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động được kết luận là tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động.      

Đề nghị quý Công dân liên hệ với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 10 Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để được hướng dẫn chi tiết