BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Học nghề sau khi xuất ngũ nghĩa vụ công an nhân dân

27/06/2024

Anh Trương Tuấn Thuận (TP. Hồ Chí Minh) có hỏi, năm 2022 anh xuất ngũ nghĩa vụ công an nhân dân nhưng không được biết đến việc đào tạo nghề khi ra quân. Nay anh Trương Tuấn Thuận muốn đăng ký học nghề thì có còn hiệu lực không?


Về nội dung anh Trương Tuấn Thuận hỏi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin trao đổi như sau:

Đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là thanh niên xuất ngũ) thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ.

Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ "có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thanh niên xuất ngũ".

Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ đăng ký đào tạo trình độ sơ cấp qua Thẻ "Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Thẻ, thanh niên lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh…".

Như vậy, bạn đủ điều kiện để được hỗ trợ học nghề khi thời điểm đăng ký học nghề của bạn trong khoảng thời hạn 12 tháng kể từ ngày xuất ngũ.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ học nghề cho thanh niên xuất ngũ, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp cũng như ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, giúp người lao động có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động:

- Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung về đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.

- Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

- Chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ góp phần duy trì việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp.

- Chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong các Chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021-2025.

Bạn có thể tìm hiểu các chính sách hỗ trợ đào tạo nêu trên để đăng ký học nghề phù hợp.