Xét chuyển chức danh nghề nghiệp hạng II
09/07/2024Chị Võ Ngọc Nữ (Cà Mau) hỏi về trường hợp Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (V.09.02.03) có bằng đại học và chứng chỉ kỹ năng nghề có được xét thăng hạng Giảng viên GDNN chính không?
Theo chị Nữ, tại khoản 2, Điều 6, Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo "Giảng viên dạy lý thuyết có bằng thạc sĩ trở lên; giảng viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng theo quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp".
Vậy trường hợp Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (V.09.02.03) có bằng đại học và chứng chỉ kỹ năng nghề có được xét thăng hạng Giảng viên GDNN chính không? Trường hợp Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực, vậy khi xét thăng hạng Giảng viên GDNN lý thuyết có bằng đại học có bắt buộc có chứng chỉ kỹ năng nghề không?
Về nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin trao đổi như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH[1], nhà giáo phải đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tại Chương II Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH (là một trong các tiêu chuẩn, điều kiện để được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề).
Theo đó, đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo đăng ký dự xét thăng hạng từ chức danh Giảng viên GDNN lý thuyết, mã số V.09.02.03 lên chức danh Giảng viên GDNN chính, mã số V.09.02.02 phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH. Trường hợp nhà giáo có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có chứng chỉ kỹ năng nghề đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng theo quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN thì đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH.
Đến ngày 25/6/2024, Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH[2] có hiệu lực thì nhà giáo có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với các nhóm ngành, nghề quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH là đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng. Theo đó, nhà giáo có bằng tốt nghiệp đại học các nhóm ngành, nghề quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH khi đăng ký xét thăng hạng từ chức danh Giảng viên GDNN lý thuyết, mã số V.09.02.03 lên chức danh Giảng viên GDNN chính, mã số V.09.02.02.
[1] Thông tư 07/2023/TT-BLDTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN.
[2] Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH ngày 10/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN.