Cách tính giờ chấm thi của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
24/06/2024Chị Vũ Quỳnh Hương (Nam Định) có hỏi, tại điểm c Khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 về quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có nội dung: “Chấm kiểm tra: Kiểm tra viết tự luận, kiểm tra trắc nghiệm được tính 0,1 giờ chuẩn/bài; kiểm tra vấn đáp được tính 0,2 giờ chuẩn/học viên, học sinh, sinh viên; kiểm tra thực hành được tính 0,2 giờ chuẩn/học viên, học sinh, sinh viên”.
Chị Vũ Quỳnh Hương mong muốn Bộ LĐTBXH giải thích giúp về cách thức tính: Nếu áp dụng hình thức thi chạy trạm (thực hành) gồm 6 bàn độc lập, mỗi bàn 1 giảng viên hỏi thi, tổng số sinh viên của lớp là 40. Vậy cách tính giờ cho mỗi thày cô là 40 × 0,2 : 6 = 1,5 giờ có đúng không? Hay mỗi thầy cô sẽ đc tính 40×0,2 = 8 giờ.
Về nội dung chị Vũ Quỳnh Hương hỏi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin trao đổi như sau:
Tại Điều 11 Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH thì: “Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ vào điều kiện thực tế quy định việc quy đổi các hoạt động: soạn đề thi, coi thi, chấm thi kết thúc mô-đun, môn học; soạn đề thi, coi thi, chấm thi tốt nghiệp; hướng dẫn chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; bồi dưỡng cho nhà giáo tham gia Hội giảng các cấp; bồi dưỡng cho học viên, học sinh, sinh viên tham gia kỳ thi tay nghề các cấp và các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ khác ra giờ chuẩn để tính khối lượng giảng dạy hằng năm cho nhà giáo”.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH trước đây thì: “kiểm tra thực hành được tính 0,2 giờ chuẩn/học viên, học sinh, sinh viên”. Do đó, việc tính giờ chấm thực hành là không thay đổi đối với mỗi học viên, học sinh, sinh viên (là 0,2 giờ chuẩn/học viên, học sinh, sinh viên) và không phụ thuộc vào số lượng giáo viên tham gia chấm thực hành.