BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỆ THỐNG THÔNG TIN BỘ VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Hằng năm nhà giáo dạy trình độ sơ cấp được nghỉ 6 tuần bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ theo quy định

14/04/2022

Chị Hằng (TP. Hồ Chí Minh) đang dự tính xin đi dạy trình độ sơ cấp. Chị không biết thời gian nghỉ được tính trong một năm là bao nhiêu và chị phải dạy tổng cộng bao nhiêu giờ. Chị đã gửi câu hỏi tới Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp để mong được hướng dẫn về thời gian giảng dạy hàng năm và thời gian được nghỉ của nhà giáo trình độ sơ cấp.

Về vấn đề này, Hệ thống thông tin Bộ với người dân và doanh nghiệp đã tổng hợp các thông tin và trả lời chị như sau:

* Về thời gian nghỉ hằng năm: Khoản 2, Điều 7, Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định như sau:

Thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 6 tuần; của công chức, viên chức quản lý, viên chức các phòng hoặc tổ chuyên môn, nghiệp vụ về đào tạo, quản lý học viên, học sinh có tham gia giảng dạy được nêu tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này là 5 tuần, bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, trong đó:

- Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có);

- Các chế độ nghỉ khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;

- Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện cụ thể của từng cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí cho nhà giáo nghỉ vào thời gian thích hợp.

Theo đó, hằng năm nhà giáo dạy trình độ sơ cấp được nghỉ 6 tuần bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ theo như quy định trên.

* Về định mức giờ giảng: Điều 8, Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

1. Định mức giờ giảng của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong một năm học: Từ 500 đến 580 giờ chuẩn.

Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng cho phù hợp trong năm học.

2. Định mức giờ giảng cho công chức, viên chức quản lý, viên chức các phòng hoặc tổ chuyên môn, nghiệp vụ đủ tiêu chuẩn để tham gia giảng dạy nhằm nắm được nội dung, chương trình đào tạo và quá trình học tập của học viên, học sinh để nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo được quy định như sau:

a) Giám đốc: 30 giờ chuẩn/năm;

b) Phó giám đốc: 40 giờ chuẩn/năm;

c) Trưởng phòng hoặc tổ trưởng hoặc tương đương: 60 giờ chuẩn/năm;

d) Phó trưởng phòng hoặc tổ phó hoặc tương đương: 70 giờ chuẩn/năm;

đ) Viên chức các phòng hoặc tổ chuyên môn, nghiệp vụ về đào tạo; quản lý học viên, học sinh: 80 giờ chuẩn/năm.

Như vậy, một năm học nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải giảng từ 500 đến 580 giờ chuẩn theo như quy định trên.